|ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC – CỘI NGUỒN SỨC MẠNH, ĐỘNG LỰC CHỦ YẾU CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM

CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI CÂU LẠC BỘ LÝ LUẬN TRẺ HỌC VIỆN CÁN BỘ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH


Đầu tháng 9/2024, nước ta chịu tác động to lớn từ cơn bão số 3 (hay còn gọi là bão Yagi) – một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng ba thập kỷ qua tại khu vực Biển Đông. Xuất hiện vào ngày 3/9, sau khi tiến vào Biển Đông, bão Yagi nhanh chóng tăng cường độ, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và Tây – Tây Bắc. Đặc biệt, chỉ trong vòng 48 giờ, từ ngày 3 đến ngày 5/9, cơn bão đã tăng từ cấp 8 lên đến cấp 16, đạt mức siêu bão. Đây là một trong những cơn bão có tốc độ tăng cường nhanh và duy trì cường độ siêu bão trong thời gian dài. Khi tiến sát bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng vào chiều ngày 7/9, bão số 3 vẫn giữ cường độ cấp 12-13, với gió giật lên đến cấp 15, gây thiệt hại nghiêm trọng cho khu vực miền Bắc nước ta. Sau khi bão đổ bộ đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản cho nhiều địa phương.

Giữa lúc người dân căng mình trong cuộc chiến chống bão số 3 cũng là lúc tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được thể hiện rõ nhất. Không hiếm gặp hình ảnh những chiếc ô tô nối dài che chắn gió cho những chiếc xe máy qua cầu; những người vô gia cư, không nơi nương tựa được đưa về những căn nhà trống, được cung cấp thức ăn, nước uống, chỗ trú ẩn an toàn trong bão tố; hay đơn giản chỉ là những người đi xe máy bị bạt gió trên đường, được người dân xung quanh và lực lượng chức năng đang ứng trực giúp đưa vào chỗ trú ẩn an toàn. Bão số 3 với mưa lơn và gió giật mạnh đã gây ra lũ lụt, lụt ống, lũ quét, sạt lỡ đất ở nhiều địa phương, gây thiệt hại về người và của. Với tinh thần đoàn kết, hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân cả nước đã hướng về miền Bắc, những đoàn xe chở hàng cứu trợ tấp nập; người dân ai có của góp của, ai có sức góp sức, cùng nhau đoàn kết, chung tay vượt qua khó khăn.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” – bão số 3 là cơ hội để con người nhận ra mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên. Chỉ có tình người, tinh thần đoàn kết, sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong bão mới tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua thử thách ngày càng khốc liệt của thiên nhiên.

Đại Đoàn Kết Toàn Dân Tộc – Cội Nguồn Sức Mạnh và Động Lực Chủ Yếu của Cách Mạng Việt Nam

Tư tưởng về đoàn kết và đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như trong các chính sách và pháp luật của Nhà nước. Qua các giai đoạn cách mạng, quan điểm của Đảng về việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được hoàn thiện và phát triển.

Đảng ta luôn xem đoàn kết là giá trị cốt lõi, coi đại đoàn kết toàn dân tộc như một đường lối chiến lược, là nguồn cội của sức mạnh và động lực chính cho cách mạng Việt Nam. Điều này có ý nghĩa quyết định trong mọi thắng lợi của cách mạng, đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết thể hiện rõ quan điểm, lập trường, thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Người đã cụ thể hóa các luận điểm, nguyên tắc và phương pháp để tập hợp, quy tụ và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, tổ chức lực lượng cách mạng, cũng như đoàn kết quốc tế, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dân được coi là sức mạnh lớn nhất, khi đoàn kết được nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh to lớn nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn của cả dân tộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết / Thành công, thành công, đại thành công”.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn cội của mọi thành công và chiến thắng. Quá trình xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã mang lại nhiều thành tựu to lớn, vượt qua khó khăn sau chiến tranh, bao vây, cấm vận và biến động của thời đại.

Chỉ thị số 17-CT/TW của Đảng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc tạo sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quốc phòng và an ninh, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cũng như mở rộng quan hệ hữu nghị quốc tế.

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986, Đảng đã đưa ra nhiều chủ trương và biện pháp để củng cố, mở rộng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội kịp thời có các chính sách và pháp luật phù hợp, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và mở rộng quan hệ quốc tế.

Không chỉ trong Chiến tranh, tinh thần đoàn kết dân tộc của Nhân dân ta còn phát huy mạnh mẽ trong thời bình, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, Đảng và toàn thể đồng bào đã đoàn kết và chung sức chiến đấu để vượt qua đại dịch, thể hiện sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những kết quả đạt được trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong năm qua, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự tác động của thiên tai…Nhân dân ta lại dang rộng vòng tay, đùm bọc, tương hỗ nhau trước những thảm họa của tự nhiên.

Phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.

Lịch sử cho thấy, các thế lực thù địch, phản động từ trước đến nay chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt khác, có những hạn chế, khuyết điểm bên trong nếu không sớm được khắc phục có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nguy hiểm hơn là khi bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá…

Thực tế cho thấy, hiện nay các thế lực thù địch, phản động ngày càng quyết liệt hơn với các âm mưu thâm độc và tinh vi hơn trong phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi chúng nhận thấy rõ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn phá hoại cách mạng Việt Nam thì phải làm tan rã sức mạnh to lớn đó. Theo đó, âm mưu, thủ đoạn gây chia rẽ hiện nay của các thế lực thù địch, phản động chủ yếu là tuyên truyền, xuyên tạc, bôi đen thành tựu thực hiện đường lối, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta. Chúng “té nước theo mưa”, thổi phồng hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của các cấp chính quyền để gây hoài nghi, phân tán nhân tâm, mất lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp cách mạng đất nước.

Chúng triệt để lợi dụng những vấn đề xã hội bức xúc, những khó khăn trong đời sống nhân dân để kích động chống đối, hình thành những điểm nóng gây chia rẽ từ bên trong. Chúng lợi dụng hội nhập quốc tế để xâm lăng và làm “biến dạng” các giá trị văn hóa truyền thống; tạo dựng “ngọn cờ”, lợi dụng các vấn đề dân chủ, dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, các vấn đề lịch sử… để kích động, chia rẽ đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân; giữa các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; thúc đẩy hình thành các “khu tự trị”, “nhà nước tự trị”…

Đáng chú ý, chúng tập trung vào phá hoại mối đoàn kết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; nhân dân với các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang; mối quan hệ giữa quân đội và công an… Cùng với chống phá trên các địa bàn chiến lược như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ hiện nay, chúng đẩy mạnh chống phá gây chia rẽ, mất đoàn kết ở các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương. Internet, mạng xã hội đã và đang được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng với những thủ đoạn mới rất tinh vi, xảo quyệt để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhìn lại 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đất nước đã đạt được là nền tảng vững chắc củng cố niềm tin, đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, những thách thức đặt ra hiện nay cũng rất lớn, Đảng ta chỉ rõ: “Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “… phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Khát vọng phát triển của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chỉ có thể được hiện thực hóa bằng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, Đảng ta xác định: “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Đây là cơ sở để nhận thức và giải quyết tốt vấn đề có tính nguyên tắc của phát triển và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.

Trên cơ sở quán triệt quan điểm của Đảng, để phòng chống chia rẽ, bảo vệ và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục thấu triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền, tăng cường đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với đường lối lãnh đạo của Đảng. Thường xuyên nắm chắc, dự báo đúng, xử lý chính xác các vấn đề về tư tưởng, mâu thuẫn, bức xúc xã hội hiện nay. Tích cực, chủ động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, làm sáng tỏ chủ trương, chính sách, thành tựu đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta. Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc làm nền tảng tinh thần vững chắc của khối đại đoàn kết trong giai đoạn mới.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; đặc biệt coi trọng chăm lo, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và hệ thống chính trị. Thường xuyên củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Quán triệt, thực hiện đúng phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.

Bốn là, nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên nhận diện, đấu tranh hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Có các giải pháp, biện pháp mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trên không gian mạng-mặt trận nóng bỏng hiện nay. Chủ động, nhạy bén, sắc sảo phát hiện, vạch trần bản chất phản động, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động; giành giữ, bồi đắp tình cảm cách mạng, niềm tin của toàn thể nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng đất nước.

Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, không ngừng hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, kịp thời giải đáp một cách thuyết phục những vấn đề mới về lý luận, thực tiễn đã và đang đặt ra; cung cấp luận cứ, luận chứng khoa học bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới.

Đảng ta là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để phòng chống sự chia rẽ, bảo vệ và phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết, phải phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

_____________________________________

Câu lạc bộ Lý luận trẻ HCA