NÉT ĐẶC SẮC CỦA “NGOẠI GIAO CÂY TRE” VIỆT NAM
Cây tre là một biểu trưng đặc sắc trong văn hóa Việt. Đó là hình ảnh mang thông điệp về giá trị truyền thống cộng đồng bền chặt và tinh thần tự lập, tự cường mạnh mẽ, dẻo dai của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cây tre không chỉ gắn bó, thân thuộc trong tâm thức dân gian, phản ánh đặc trưng bản sắc dân tộc, mà còn trở thành hình tượng cho đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch đã và đang không ngừng đưa ra các luận điệu sai trái để xuyên tạc quan điểm “ngoại giao cây tre” ấy (TS. Lê Thị Trúc Anh, 2024).
Từ năm 2021 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng, đánh dấu những bước tiến trong việc mở rộng và củng cố quan hệ quốc tế. Năm 2021, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đóng góp tích cực vào các hoạt động duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Năm 2022, Việt Nam đẩy mạnh quan hệ ngoại giao song phương với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và các nước trong ASEAN. Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc vào tháng 10/2022 đã tái khẳng định mối quan hệ chiến lược toàn diện giữa hai nước. Năm 2023, Việt Nam cũng chào đón chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, đánh dấu 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ. Đồng thời, Việt Nam cũng tiếp tục tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương như ASEAN, APEC, Liên Hợp Quốc, thể hiện vai trò tích cực trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh khu vực và phát triển bền vững. Những hoạt động ngoại giao từ 2021 đến nay cho thấy vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2024, ngoại giao của Việt Nam tiếp tục thể hiện sự cân bằng giữa việc duy trì các mối quan hệ truyền thống và củng cố các mối quan hệ mới.
Sự gắn bó tương thích giữa hình tượng cây tre và tính cách, lối sống văn hóa của con người Việt Nam, được biểu đạt trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực hoạt động đối ngoại, là điều ai cũng nhận thấy và dễ dàng thừa nhận với niềm tự hào về các giá trị văn hóa mang đặc trưng bản sắc Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng, cây tre Việt Nam, cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (Nguyễn Phú Trọng, 2021), đồng thời nêu ra định hướng phát triển cho đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Cũng từ đây, các thế lực thù địch trong và ngoài nước càng ráo riết tập trung đưa ra nhiều quan điểm đối lập cùng những luận điệu sai trái, nhằm phủ nhận bản sắc văn hóa đối ngoại và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên mọi mặt trận, trong đó có lĩnh vực hoạt động ngoại giao.
Tương tự các luận điệu trên, thời gian qua trên một số trang mạng xã hội, đã xuất hiện những quan điểm, ý kiến dưới các hình thức “thư góp ý”, “lời kêu gọi”, “tư vấn cho Nhà nước Việt Nam”, “phản biện”, “kiến nghị”… của một số cá nhân và tổ chức nhằm phê phán, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Song song đó, một số hãng truyền thông nước ngoài có phiên bản tiếng Việt như: RFA, VOA, RFI, BBC… còn bịa đặt rằng “đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay là “đu dây”, “tự sát”, bị lệ thuộc, chi phối bởi các cường quốc. Rồi họ đưa ra “lời khuyên” Việt Nam nên bỏ chính sách quốc phòng “4 không” (1- không tham gia liên minh quân sự; 2- không liên kết với nước này để chống nước kia; 3- không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; 4- không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Có thể nói cây tre là biểu trưng “kép” của hai truyền thống lâu đời – vốn là hệ quả của phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước phương Nam, đó là tính cộng đồng bền chặt và truyền thống tự trị, coi trọng tinh thần chủ động, độc lập, tự cường của nhân dân Việt Nam. Chính từ hai đặc trưng gốc ấy (cộng đồng và tự trị), đã hình thành ở người Việt Nam lối tư duy coi trọng thực tiễn và phương thức ứng xử mềm dẻo, linh hoạt. Điều này rất tương thích với những đặc trưng tiêu biểu của nền ngoại giao Việt Nam, từ truyền thống tới thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nền ngoại giao mang bản chất “tâm công” trên tinh thần hiếu hòa, tất cả đều Vì Dân như đại hiền nhân Ức Trai – Nguyễn Trãi đã khái quát trong tác phẩm Cáo Bình Ngô “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” vào thế kỷ XV. “Trừ bạo” để giành độc lập, tự do cho nhân dân, nhưng khi chiến thắng kẻ thù rồi thì không được phép quên động cơ, động lực và triết lý nhân văn sâu sắc “hòa bình là gốc của nhạc” – Nhân dân cần hòa bình để yên ổn cày cấy, mưu sinh, để phát triển cuộc sống hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội.
Kết lại, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam mang đậm dấu ấn của truyền thống văn hóa dân tộc và phản ánh tinh thần tự cường, độc lập, linh hoạt, mềm dẻo. Hình tượng cây tre, với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển,” biểu trưng cho sự kết hợp giữa tính kiên định về nguyên tắc và sự linh hoạt trong cách thức thực hiện đối ngoại. Chính đường lối này đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều thách thức, củng cố vị thế quốc tế mà vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia. Vì vậy, đoàn viên, thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy “ngoại giao cây tre” của Việt Nam. Là lực lượng kế thừa, thanh niên cần nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân, quảng bá hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, tự chủ và phát triển. Thanh niên cần trở thành những đại sứ văn hóa, đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế bền vững. Hơn nữa, với sự tỉnh táo và nhận thức chính trị, thanh niên phải kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Qua đó, đoàn viên, thanh niên góp phần xây dựng vị thế Việt Nam ngày càng vững chắc trên trường quốc tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
—
Tham khảo:
TS. Lê Thị Trúc Anh. (2024). Đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc bản sắc “ngoại giao cây tre” và đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước việt nam hiện nay. Tạp chí khoa học Phát triển nhân lực.
__________________________________
Câu lạc bộ Lý luận trẻ HCA
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI
Gmail liên hệ: clblyluantre.2018.hca@gmail.com
Fanpage: Câu lạc bộ Lý luận trẻ Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
Số điện thoại: Đồng chí Trần Văn Tài – Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ (sđt: 0379182590)
Số điện thoại: Đồng chí Nguyễn Công Khải – Phó Chủ nhiệm CLB Lý luận trẻ (sđt: 0961905632)
Cơ sở chính: 324 Chu Văn An, Phường 12, Quận Bình Thạnh, TP. HCM